Vốn giải ngân chậm do chưa liên thông

Hotline tư vấn:

0933 273 743

Giờ làm việc:

Thứ 2 - CN 8h00 - 12h00

Đã có lần, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh giải thích với ban quản lý dự án vệ sinh môi trường Lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè rằng, số tiền vốn ODA gửi ở BIDV thành phố chỉ có lãi đủ để bù đắp cho các khoản phí chuyển tiền cho nhà thầu thi công dự án.

Giới ngân hàng chưa quên trước năm 2011, cuộc đua lãi suất huy động ở các NHTMCP đã vượt trần 14%/năm, một lượng tiền gửi trong Kho bạc thi nhau “trèo rào” dưới dạng hợp đồng ủy thác, tiền gửi cá nhân. Ở góc độ nào đó, những khoản tiền gửi này đã cung cấp thanh khoản và hỗ trợ hiệu quả kinh doanh cho nhiều TCTD trong giai đoạn đó.

Không đâu xa, đến cuối năm ngoái, khoảng 86.000 tỷ đồng nợ lòng vòng trong các dự án đầu tư phát triển, mà nguyên nhân theo các nhà thầu thì họ bị thủ tục hành chính trong lĩnh vực chi tiêu ngân sách gây chậm trễ trong giải ngân, thanh toán. Các nhà quản lý ngân sách thì lý giải sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công do tiền gửi Kho bạc bị phân tán ở các tỉnh thành. Nếu dòng vốn ngân sách tập trung một đầu mối quản lý bằng phương thức thanh toán song phương, hay nói cách khác sử dụng công cụ thanh toán điện tử liên ngân hàng thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa sự chậm trễ trong chi ngân sách cho các dự án đầu tư công. Chưa kể hàng chục ngàn cán bộ hưu trí và người lao động đang làm việc trong khu vực công sẽ nhận lương đúng đến từng giờ, từng phút.

Để có một hệ thống thanh toán điện tử tập trung vốn ngân sách, hạn chế sử dụng tiền mặt, ngành Ngân hàng đã mất 15 năm và hệ thống Kho bạc tốn ít nhất 5 năm để xây dựng hạ tầng công nghệ. Thành phố Hải Phòng là địa phương được áp dụng thí điểm chuyển nguồn vốn ngân sách từ hệ thống Kho bạc hòa vào mạng thanh toán của ngành Ngân hàng năm 2010 theo chủ trương của NHNN. Để rồi ngày 12/5/2014, đã có thêm 4 kho bạc là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ cũng tham gia hòa mạng vào hệ thống thanh toán điện tử mà ngành Ngân hàng đã dày công xây dựng.

Chỉ một “cú” nhấp chuột

Mỗi giao dịch thanh toán thu chi ngân sách hiện nay chỉ tính thời gian bằng một “cú” nhấp chuột, thay thế hình thức thanh toán bù trừ thủ công theo phương thức giao hoán trực tiếp. Đến nay, đã có một hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng chạy trong hệ thống đầu cuối Citad (Terminal Access Device for SBV Branch and Credit Institution).

Tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - IBPS (Inter-Bank Payment System), mỗi NHTM thành viên tham gia trực tiếp có một tài khoản và Kho bạc Nhà nước cũng có một tài khoản kết nối với Sở Giao dịch NHNN để thực hiện thanh toán với nhau.

Theo đó, người nộp thuế chỉ cần có tài khoản tại NHTM thành viên, thông qua IBPS, lệnh thanh toán sẽ kết nối thẳng đến Kho bạc, số dư ghi có/nợ lập tức được thiết lập trên tài khoản Kho bạc. Ngược lại, khi cần chi ngân sách cho các dự án đầu tư công, chi lương cho công chức, Kho bạc chỉ thực hiện lệnh thanh toán thông qua IBPS về lại NHTM thành viên. Từ đó, DN nào trả lương qua tài khoản ATM, hoặc đơn vị đến ngân hàng rút tiền mặt về chi trực tiếp cho người lao động và hưu trí.

Trước đây, khi còn thanh toán bù trừ theo hình thức giao hoán trực tiếp, khi thực hiện thanh toán với Kho bạc, DN phải mở tài khoản tại NHTM có kết nối thanh toán điện tử liên ngân hàng hoặc thanh toán bù trừ với NHNN địa phương. Sau đó, NHNN địa phương thực hiện thanh toán trực tiếp với Kho bạc tỉnh, thành phố trước 15 giờ hàng ngày. Những khoản thu hoặc chi sau hạn định này sẽ được chuyển sang ngày hôm sau.

Ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với mô hình một tài khoản tập trung ở Hội sở NHTM đã kết nối trực tiếp với tài khoản Kho bạc ở Sở Giao dịch rút ngắn thời gian, công việc, giảm thiểu tối đa chi phí in ấn giấy tờ… giao hoán bù trừ thủ công. “Thông qua thanh toán điện tử liên ngân hàng, những chứng từ bằng giấy trước đây vốn được Kho bạc tự nhập liệu thủ công thì nay sẽ chuyển thẳng vào hệ thống kế toán Kho bạc….”, ông Cường nói.

Theo thống kê Kho bạc Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 12/5/2014 đến 31/5/2014, tham gia vào hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đã có 5.009 món tiền được chuyển đi với số vốn khoảng 2.342 tỷ đồng và hơn 10.642 món tiền đến với số vốn hơn 4.556 tỷ đồng.

Sử dụng vốn?

Nói một cách khác, hệ thống IBPS kết nối thẳng từ người nộp thuế đến điểm quản lý tập trung vốn có nguồn từ ngân sách Nhà nước. Chấm dứt một giai đoạn giao hoán thủ công giữa Kho bạc và ngành Ngân hàng địa phương. Hiện chi nhánh NHNN ở những thành phố này không phải báo cáo định kỳ số dư tiền gửi Kho bạc nằm rải rác trong hệ thống ngân hàng địa phương với NHNN.

Tuy vậy, lợi ích mang lại từ rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính công mới chỉ thực hiện ở 5 thành phố lớn. Ngoài ra, khoảng hơn 600 điểm kho bạc quận, huyện và tỉnh thành hiện nay còn thanh toán song phương với NHTM chưa tham gia thanh toán điện tử liên ngân hàng sẽ tiếp tục công việc như thế nào để không bị phân tán vốn ngân sách?

Dự thảo thông tư hướng dẫn mở tài khoản và thực hiện giao dịch cho Kho bạc đang được NHNN lấy ý kiến, trong phiên bản hai ngày 21/4/2014 tại điểm 2, Điều 4 có quy định: NHTMCP có tỷ lệ vốn Nhà nước chi phối được chỉ định tham gia mở tài khoản thu ngân sách cho Kho bạc và không được lấy tiền gửi này tính vào khả năng chi trả, thanh khoản, cân đối nguồn vốn cho vay, đầu tư, thanh toán hay bất kỳ mục đích nào khác của NHTM.

Nên chăng, NHNN có thể xét đến khả năng mở rộng đối tượng không cho bất kỳ NHTM nào sử dụng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước để tính vào tỷ lệ khả năng chi trả, thanh toán, cân đối nguồn vốn để cho vay, đầu tư thanh toán… Đây có thể coi là một chốt chặn đối với hành vi lợi dụng ngân sách ở các Kho bạc quận, huyện gửi tiền vào NHTM lấy lãi. Đồng thời các TCTD không dám sử dụng loại tiền gửi này vì lãi suất phải trả khi bị phát hiện rất cao. Các ngân hàng được chỉ định chỉ có thể thu phí chuyển tiền với mức phí khoảng 0,33% trên giao dịch thanh toán.

Khi hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định trên cả nước, Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung hơn vào chức năng là nhà phát hành tín phiếu, trái phiếu. Hoạt động lưu chuyển tiền tệ sẽ tập trung về Ngân hàng Trung ương quản lý như các nền kinh tế phát triển đang thực hiện.

Những người làm công nghệ thông tin ngân hàng cho biết, đã có hàng loạt các văn bản pháp lý dọn đường thanh toán bằng một “cú” nhấp chuột hiện nay. Từ Quyết định 411/QĐ-NHNN chọn Kho bạc Hải Phòng thí điểm năm 2010 thanh toán điện tử liên ngân hàng. Hai năm sau Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực. Trong đó có quy định NHNN mở tài khoản thanh toán cho Kho bạc Nhà nước, với vai trò quản lý, vận hành thông suốt hệ thống thanh toán quốc gia.

Hotline: 0933273743
Chỉ đường icon zalo Zalo SMS: 0933273743